Quy trình thi công xây dựng Phuc Khang Group

 2605  27.04.2021

Tổng quan về quy trình thi công xây dựng có 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn chuẩn bị xây dựng

Giai đoạn thi công xây dựng phần thô

  • Thi công phần móng và công trình ngầm
  • Thi công xây dựng cột, dầm, sàn
  • Thi công xây tường và MEP (điện – nước – điện lạnh)
  • Công tác trát tường
  • Công tác chống thấm
  • Công tác cán nền

Giai đoạn thi công phần hoàn thiện

  • Thi công trần thạch cao
  • Thi công sơn nước
  • Thi công ốp lát gạch
  • Thi công lát đá Granite
  • Thi công lắp đặt cửa
  • Công tác vệ sinh công trình

Bài viết sẽ cung cấp đến quý vị cái nhìn tổng quan về chi tiết các hạng mục công việc trong quá trình xây dựng trọn gói và thêm kinh nghiệm để làm việc với các công ty xây dựng trong tương lai, để đưa ra lựa chọn chính xác nhất. Nắm bắt được những “kinh nghiệm thực chiến” được công ty xây dựng Phúc Khang đúc kết được sau nhiều năm chinh chiến.

quy trình thi công

1. Giai đoạn chuẩn bị xây dựng

biển báo công trình

  • Thành lập ban chỉ huy công trình:
    • Quản lý điều hành công trình: phó giám đốc kỹ thuật.
    • Ban chỉ huy công trình: chỉ huy trưởng, kỹ sư giám sát, điều phối vật tư, đội trưởng.
  • Thông báo khởi công đến chính quyền địa phương, các hộ kế cận, chụp hiện trạng cộng trình kế cận.
  • Tháo dỡ và dọn dẹp công trình cũ.
  • Chuẩn bị mặt bằng trống, nguồn nước – điện phục vụ thi công xây dựng.
  • Làm láng trại cho công nhân.
  • Lắp đặt cổng hoặc tường rào theo công ty.
  • Thực hiện treo biển báo – nội quy – cảnh báo công trình, an toàn lao động..)
  • Chuẩn bị hồ sơ thiết kế để thi công xây dựng.
  • Định vị tim mốc, xác định cao độ, lộ giới và khoảng lùi xây dựng trước sau.

Xem thêm 12 bước trong quy trình xây nhà trọn gói của Phuc Khang Group

2. Giai đoạn thi công xây dựng phần thô

Giai đoạn thi công xây dựng phần thô là công việc quan trọng nhất quyết định tính vững chắc trường tồn của công trình theo thời gian. Đây là quá trình thi phần móng, phần khung bê tông cốt thép để chịu lực cho cả công trình.

Thi công phần móng và công trình ngầm

thi công phần móng

  • Đào móng và cắt đầu cọc sau khi ép cọc xong (đối với công trình có thiết kế móng cọc)
  • Định vị tim móng, đào hố ga, hầm tự hoại.
  • Vận chuyển và đổ bỏ, chỉnh sửa lớp đất nền, đầm chặt.
  • Ghép coppha, đổ bê tông lót, xây thành đài và dầm móng.
  • Lấp đất đến cao độ thiết kế, đổ bê tông lót sàn.
  • Nếu có hầm thì lắp cốt thép dầm móng, sàn, cổ cột, thép vách.
  • Đổ bê tông móng, dầm, sàn và bảo dưỡng bê tông.

Thi công xây dựng cột, dầm, sàn

thi công cột dầm sàn

Quy trình thi công xây dựng cột:

  • Kiểm tra và vệ sinh thép chờ chân cột.
  • Lắp dựng cốt thép và coppha cột: kiểm tra chủng loại, kích thước thép, độ thẳng.
  • Đổ bê tông cột: tưới bám dính trước khi đổ, kiểm tra độ sụt bê tông, đầm bê tông.
  • Tháo ván khuôn và bảo dưỡng bê tông sau thi công xây dựng.

Quy trình thi công xây dựng dầm, sàn:

  • Kiểm tra cao độ dầm, sàn, định vị tim trục.
  • Lắp dựng cốt thép và coppha dầm, sàn: kiểm tra kích thước, chủng loại thép, độ thẳng, ổn định, vệ sinh ván khuôn và thép dầm, sàn.
  • Đổ bê tông dầm, sàn: kiểm tra cao độ, độ sụt và đầm bê tông.
  • Tưới nước bảo dưỡng sau khi đổ bê tông dầm, sàn.

Lưu ý:

  • Nên đổ bê tông sàn trệt, sân trước kết nối với dầm, sàn, đài móng.
  • Nên sử dụng bê tông thương phẩm của nhà máy đúng mác thiết kế (nếu công trình xe bê tông vào được).
  • Đổ bê tông đà các đầu: cửa sổ, cửa đi, đà giằng tường sân thượng, ban công và các cột kẹp. Để đảm báo công trình không nứt.

Thi công xây tường và MEP (điện – nước – điện lạnh)

thi công xây tường

  • Xem bản vẽ thiết kế, định vị và vệ sinh tường xây.
  • Tưới nước tạo ẩm cho gạch.
  • Giữa cột và gạch phải có liên kết râu thép.
  • Lắp đặt lanh tô đúc sẵn bê tông cốt thép tại các vị trí cửa ra vào, cửa sổ.
  • Mạch vữa không được trùng.
  • Khi xong công tác xây tường là công tác MEP.
  • Vệ sinh mặt bằng sau khi thi công xây dựng xây tường và đi hệ thống MEP âm tường.

Công tác trát tường

thi công trát tường

  • Quy trình thi công trát tường cần tưới nước kỹ tạo độ ẩm tường trước khi trát tường.
  • Mốc trát thấp nhất cách nền 10 – 15cm, song song tim trục, lớp trát dày theo thiết kế.
  • Vẫy vữa hồ dầu tạo bám dính cho bê tông.
  • Đóng lưới thép: giữa bê tông và gạch phần ống điện.
  • Các ô chờ cửa đi, cửa sổ,… phải đúng kích thước và dùng eke kiểm tra góc tường vì nó ảnh hưởng tới công tác lắp đặt cửa sau này.
  • Trộn vữa bằng máy được phép trộn M75, tương đương: 1 bao xi măng (50kg) + 10 thùng 18L cát lớn sàng sạch sẽ.
  • Thi công xây dựng xong phải có biện pháp bảo vệ và bảo dưỡng lớp trát. Sau 2 – 5 ngày mới được trét bột.

Công tác chống thấm

thi công chống thấm

  • Dọn dẹp sạch sẽ vệ sinh mặt bằng là khâu quan trọng trước khi thi công chống thấm.
  • Trong quy trình thi công chống thấm cần kiểm tra code nền trước khi chống thấm, đảm bảo đúng thiết kế.
  • Cắt sắt râu và đục hồ vữa dư thừa trên bề mặt cần thống thấm.
  • Đối với vị trí các ống thoát nước xuyên sàn: phải đục và tạo nhám xung quanh xử lý bằng Sika flex, fill lỗ bằng Sika grout.
  • Đối với sàn mái, ban công, sân thượng: Sử dụng hóa chất Kova hoặc Sika, quét 1 lần 2 lớp (mỗi lớp cách nhau 3h) và quét 2 lần. Lăn chống thấm chân tường cao 20 – 50 cm.
  • Đối với nhà vệ sinh: tường phải tô một lớp hồ mỏng cao 0.8 – 1m và quét Sika 2 lớp.
  • Sau khi xong chống chấm từ 3 – 5h có thể tiến hành test nước bề mặt.
  • Sau 24 – 48h test nước, nếu đạt thì tiến hành tháo nước và cán nền bảo vệ lớp chống thấm ngay.
  • Lưu ý:
    • Dùng cọ quét chống thấm tại những nơi rulo không lăn tới.
    • Không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào bề mặt chống thâm 24 – 48 h, sẽ làm bong tróc bề mặt chống thấm.
    • Sau khi lăn lớp cuối và chờ test nước, tuyệt đối không được thi công xây dựng ở gần khu vực đó.

Công tác cán nền

thi công cán nền

  • Ưu tiên cán nền vị trí chống thấm trước để bảo vệ bề mặt, sau đó mới đến các vị trí khác.
  • Trong quy trình thi công xây dựng cán nền cần phải làm vệ sinh sạch sẽ bề mặt, đục băm tất cả hồ vữa.
  • Kiểm tra cao độ mốc cán nền (ghém) từ cao độ chuẩn 1m, khoảng cách giữa các ghém từ 2 – 2.5m.
  • Quét lớp hồ dầu giữa sàn bê tông cốt thép và lớp vữa cán nền để tạo kết dính tốt.
  • Dùng thước nhôm gạt đều mặt hồ, xoa nhám mặt nền nếu lát gạch, xoa nhẵn mặt nền nếu lát sàn gỗ, sàn nhựa,…

3. Giai đoạn thi công phần hoàn thiện

Nếu phần thô quyết định tính vững chắc công trình, thì phần hoàn thiện quyết định độ thẩm mỹ. Giai đoạn này công ty xây dựng sẽ thi công lắp đặt vật liệu hoàn thiện.

Thi công trần thạch cao

thi công trần thạch cao

  • Trước khi thi công trần thạch cao phải kiểm tra rò rỉ hệ thống cấp và thoát nước trước khi đi khung viền (khung xương).
  • Lấy dấu chiều cao trần và đánh dấu để xác định vị trí thanh viền tường.
  • Bắn vít để cố định thanh viền tường vào vách hay tường.
  • Xác định điểm treo ty. Khoảng các tối đa giữa các điểm treo là 1m, từ vách tới móc đầu tiên là 0.4 m.
  • Bố trí khung trần thanh chính phù hợp với các điểm treo, khoảng cách theo đúng quy cách, tránh đi ngang qua lỗ đèn và thiết bị cơ điện.
  • Lắp đặt thanh chính và thanh phụ phải cố định vào vách cần thi công xây dựng.
  • Cân chỉnh khung trần, kiểm tra cao độ bằng ống Nivo hoặc máy laser.
  • Lắp đặt tấm lên khung liên kết bằng vít và siết cho đầu vít nằm vào trong bề mặt để tiện việc sơn nước sau này.
  • Trần và các mối nối giữa 2 tấm phải thẳng, các vết nứt phải dán keo và xử lý bằng bột nứt trước khi sơn nước.
  • Sau khi thi công xây dựng hoàn thành lấp tấm, vệ sinh khu vực sạch sẽ.

Thi công sơn nước

thi công sơn nước

Quy trình thi công sơn nước bao gồm 3 bước chính: trét mastic – lăn sơn lót – sơn màu hoàn thiện

Quy trình thi công trét mastic

  • Đảm bảo tường đã khô hoàn toàn, vệ sinh sạch sẽ bề mặt trước khi trét mastic.
  • Dùng đá mài vệ sinh bề mặt tường để loại bỏ hết các tạp chất ảnh hưởng quá trình kết dính, có thể dùng giấy nhám để vệ sinh các loại sạn cát bám trên bề mặt tường. Sau đó là vệ sinh bụi bẩn.
  • Trộn bột trét với nước sạch sau đó khuấy lên để đạt độ dẻo quánh để dễ thi công xây dựng.
  • Nguyên tắc trét: 2 lớp, mỗi lớp cách nhau 1 ngày.
  • Nguyên tắc xả nhám: cách 1 ngày sau khi trét lớp thứ 2, xả nhám hết mí bộ, kiểm tra độ phẳng, vuông thành sắc cạnh. Độ dày lớp mastic: 1 – 1.5 mm.
  • Nếu phát hiện lỗi lõm, cho tiến hành bả sửa, lưu ý không bả sửa quá 2 lần.

Quy trình thi công lăn sơn lót

  • Lấy chổi bông quét sạch bụi nhám còn trên bề mặt trước khi sơn lót.
  • Có thể pha thêm dung môi để tăng khả năng phủ tối đa giúp cho việc thi công xây dựng được dễ dàng hơn.
  • Tiến hành lăn sơn lót, tùy vào nhu cầu và điều kiện có thể lăn 1 hoặc 2 lớp.
  • Mỗi lớp cách nhau khoảng 1h để đảm bảo độ khô ráo cần thiết.

Quy trình thi công sơn màu hoàn thiện

  • Cách 2h sau khi sơn lót là có thể sơn hoàn thiện lớp thứ 1.
  • Nên pha thêm dung môi để tăng độ phủ và dễ thi công xây dựng.
  • Tiến hành sơn màu lớp thứ 1 và kiểm tra bề mặt sau khi sơn xong.
  • Cách 2h sau khi sơn lớp thứ 1 là có thể thiến hành sơn lớp thứ 2.
  • Do là lớp sơn hoàn thiện nên cần sơn tỉ mỉ, cẩn thận khi thi công xây dựng.
  • Dùng bóng điện để kiểm tra, thấy sơn không bị vết, 2 màu, bề mặt tường sáng đều là đạt.

Thi công ốp lát gạch

thi công ốp lát gạch

  • Quy trình thi công Gạch ốp lát là khâu đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người thợ để các viên gạch được thẳng phẳng, không bị bong, bị bộp và bề mặt được hoàn thiện nhất.
  • Lát nền các tầng: từ code chuẩn sau đó ghém lấy mặt phẳng. Tưới nước để tránh tình trạng tách lớp, lót hồ dầu để tránh bị bộp, gạch lát phải phẳng, đường ron thẳng cách nhau 1 – 2mm.
  • Lát nền ban công, sân thượng: xác định ghém tạo độ dốc về phễu, lát gạch phải phẳng không bị gồ ghề, khoảng cách đường ron từ 1 – 2mm, trước khi chà ron phải vệ sinh đường ron sạch sẽ.
  • Lát nền nhà vệ sinh: xác định ghém tạo độ dốc về phễu, tạo góc vuông, xem hồ sơ thi công xây dựng vị trí gạch mốc và thiết kế gạch sát phễu thu sàn phải cắt.
  • Ốp gạch tường nhà vệ sinh: hồ dầu phải phủ kín hết viên gạch không bị bộp, lát gạch phẳng không lòi lõm, đường ron phải thẳng đều.
  • Ốp gạch trang trí, mặt tiền: mặt tiền là đại diện cho công trình, cần được ốp đá/gạch tỉ mỉ nhất. Các góc phải được líp thẩm mỹ.
  • Thời gian chà ron tốt nhất là cách 1 đêm sau khi lát gạch, cần phải đảm bảo các khe hở sạch trước khi chà. Sau khi thi công xây dựng xong cần che phủ bảo vệ mặt sàn thật kỹ.

Thi công ốp lát đá Granite

thi công ốp lát đá granite

  • Sau công tác ốp lát là công tác đá hoa cương (hay còn gọi là đá Granite) cho các vị trí cầu thang, ngạch cửa, mặt tiền,…
  • Cần nhập mẫu về công trình để chủ đầu tư và giám sát lựa chọn sao cho hợp lý với thiết kế và hợp đồng.
  • Cách lựa chọn tất cả vật tự phần thô và hoàn thiện chúng tôi sẽ có hướng dẫn kỹ trong phần số 4 bên dưới.
  • Đối với công tác thi công đá cũng như các công tác khác, đều phải dọn dẹp sạch sẽ sau khi thi công xây dựng.

Quy trình thi công lát đá ngạch cửa:

  • Kiểm tra chất lượng đá khi xuống tới công trình: đảm bảo không bị nứt, vân và màu giống đá đã duyệt.
  • Vì đá nặng dễ trầy xước cho các công tác đã thực hiện, nên tránh tựa đá vào cửa, tường, lót bạc để tránh trầy gạch,…
  • Nhận code cao độ, thi công xây dựng từ trên xuống dưới để tránh đi lại, có những loại đá đặc biệt phải phủ bao che sau khi lắp đặt.
  • Lát đá đúng cao độ thiết kế, bằng với code hoàn thiện của tầng.
  • Nếu như ngạch dài phải ghép 2 miếng với nhau, phải đảm bảo vân và màu giống nhau, các phần nối không được có giáp mí.
  • Trải hồ dầu hoặc keo đều tay tránh hiện tượng bộp sau này.
  • Khi cắt đá tránh quay máy vào tường đã sơn nước.
  • Riêng ngạch ban công nên làm đá dốc 5mm để cho nước thoát ra ngoài không gây ứ đọng hoặc chảy vào nhà.

Quy trình thi công lát đá cầu thang và ốp len cầu thang:

  • Công tác này đòi hỏi thợ phải có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao để đảm báo tính thẩm mỹ.
  • Cũng phải thi công xây dựng từ trên xuống dưới để tránh đi lại, trải hồ dầu và keo đều tay tránh bộp.
  • Các tấm đá phải đồng màu, đồng vân, không nứt mẻ.
  • Cắt đá đúng kích thước, bo cạnh mũi bậc thang tỉ mỉ, không để chỗ lớn chỗ nhỏ.
  • Các khe hở giữa mặt đứng và mặt nằm phải trét keo thẳng hàng đều tay.
  • Khi xong khâu lắp đặt cần dùng keo sáp để đánh đá cho đẹp.
  • Có biện pháp bao che bảo vệ sau công tác thi công.

Quy trình thi công đá ốp tường:

  • Kiểm tra cao độ và kích thước trước khi thi công xây dựng.
  • Vì đá nặng hơn gạch rất nhiều nên cần bắt bát vào tường hay bê tông để đỡ khối đá cố định.
  • Dùng keo dán đá Granite chuyên dụng để liên kết bát sắt và đá.
  • Sau khi lắp đặt xong phải dùng máy laser kiểm tra độ đứng cạnh, phẳng bề mặt bằng thước nhôm dài.
  • Trét keo các đường hở và đánh bóng bề mặt đá.
  • Dọn vệ sinh sạch sẽ bàn giao công tác.

Thi công lắp đặt cửa

thi công lắp đặt cửa

Sau khi công tác đá đã xong, tiếp đến là công tác lắp đặt cửa sổ, cửa đi,…

Quy trình thi công lắp đặt cửa gỗ:

  • Kiểm tra chất lượng cửa gỗ: đúng chủng loại như đã duyệt, không cong vênh, mối mọt,…
  • Dùng máy laser kiểm tra 2 phương khi lắp cửa.
  • Màu sắc của 1 cánh cửa phải đồng nhất, các cánh cửa khác phải tương đối giống nhau.
  • Trước khi phun PU phải bao che tường và ngạch cửa để tránh ảnh hưởng các công tác này.
  • Khi lắp đặt xong cần kiểm tra đóng mở đã nhẹ nhàng êm ái chưa, các tay nắm có bị rơ do không siết chặt ốc bên trong.

Quy trình thi công cửa nhôm:

  • Cửa nhôm và cửa gỗ có thể triển khai cùng thời điểm thi công xây dựng.
  • Trước hết cần kiểm tra chủng loại, màu sắc của cửa nhôm.
  • Dùng máy laser để kiểm tra 2 phương khi lắp đặt, khoan tắc kê đúng số lượng thiết kế.
  • Hai đoạn nối tại các góc phải khít, cửa chắc chắn không ộp ẹp. Phụ kiện đi kèm phải đúng theo thiết kế và hợp đồng.
  • Khi hoàn thành và nghiệm thu mới tiến hành bắn silicon xung quanh khung cửa.

Công tác vệ sinh công trình

vệ sinh công trình

Là bước cuối cùng trong quy trình thi công xây dựng, vệ sinh công trình sẽ bao gồm 2 phần chính: phần thô và phần tinh.

Quy trình thi công xây dựng vệ sinh phần thô: dựa theo yêu cầu của chủ nhà, sẽ đóng gói lưu giữ lại 1 số vật dụng cần thiết và bỏ phần còn lại, đây thường là phế thải của quá trình xậy dựng.

Quy trình thi công xây dựng vệ sinh phần tinh: đây là công tác quan trọng mang đến công trình sạch sẽ khi bàn giao. Thực hiện toàn bộ ngôi nhà từ trên xuống dưới bao gồm:

  • Tường trần: quét, lau chùi các máng đèn, khung cửa sổ, các vật dụng còn lại.
  • Sàn: tẩy sơn, keo, vôi, vữa, quét và lau chùi sạch sẽ.
  • Đá cầu thang và kính cường lực: vệ sinh, chà bậc cầu thang và đánh bóng đá hoa cương, làm sạch bụi, lau chùi bề mặt kính bằng công cụ chuyên dụng.
  • Cửa gỗ và tay vịn gỗ: phủi bụi, lau chùi, phủ bóng gỗ.
  • Nhà bếp: lau sạch bụi tủ bếp trong – ngoài, bếp và bệ bếp, chậu rửa, vòi nước.
  • Nhà tắm: lau sạch gương, lavabo, bàn đá, bồn cầu, làm sạch sàn, khử khuẩn, lau cửa nhà vệ sinh.
  • Vệ sinh lau chùi các vật dụng còn lại: đèn, công tắc, ổ cắm, điều hòa, quạt tường, quạt trần.
  • Hệ thống điện nước: kiểm tra tắc nghẽn.
  • Đánh bóng sàn nếu có yêu cầu.
Avatar of Đàm Kiến Thịnh
Tôi là Đàm Kiến Thịnh, tốt nghiệp kỹ sư trường Đại Học Bách Khoa. Hơn 15 năm kinh nghiệm trong thiết kế, thi công, giám sát, chủ trì các dự án. Hiện tại, đóng vai trò chính trong việc điều hành PHUC KHANG GROUP